Năm 1992, chỉ có 70 bài báo được bình duyệt (1) về khả năng học hỏi của cá — một thập kỷ sau đó, đã có 500 bài báo như vậy (ngày nay con số đã vượt qua 640). Kiến thức của chúng ta về một loài động vật chưa từng có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đến vậy. Nếu bạn là chuyên gia hàng đầu thế giới về trí thông minh của cá vào những năm 1990, bạn cùng lắm chỉ ở mức mới vào nghề ở thời điểm hiện tại.
Cá đuối được coi là loài cá thông minh nhất trên thế giới.
Cá xây tổ phức tạp, hình thành mối quan hệ cặp đôi, săn mồi hợp tác với các loài khác, và sử dụng công cụ. Chúng phân biệt nhau là những cá thể riêng biệt (và ghi nhớ ai đáng tin cậy và ai không). Chúng ra quyết định cá nhân, theo dõi uy tín xã hội và tranh đấu để có vị trí tốt hơn [trích dẫn từ tạp chí bình duyệt Fish and Fisheries: chúng sử dụng "chiến lược quản lý, trừng phạt và hòa giải của Machiavelli"(2)]. Chúng có trí nhớ dài hạn đáng kể, thông thạo việc truyền đạt kiến thức cho nhau qua mạng lưới xã hội, và cũng có thể truyền kinh nghiệm từ đời này qua đời khác. Theo các tài liệu khoa học, chúng thậm chí còn “truyền đời những ‘tập tục’ về tuyến đường để tìm thức ăn, để bơi theo đàn, để tìm nơi nghỉ ngơi hoặc giao phối."
Vậy còn loài gà? Cũng có một cuộc cách mạng về báo cáo khoa học ở lĩnh vực này. Tiến sĩ Lesley Rogers, một nhà sinh lý động vật nổi tiếng, đã phát hiện ra sự phân bố bên cạnh của não các loài chim — sự chia rẽ của não thành hai bán cầu trái và phải với những chuyên môn khác nhau — vào thời điểm này, đây được cho là đặc tính chỉ có ở não người. (Ngày nay, các nhà khoa học đồng ý rằng sự phân bán cầu não xuất hiện trong toàn bộ vương quốc động vật.) Trên cơ sở bốn mươi năm kinh nghiệm nghiên cứu, Rogers lập luận rằng hiện tại, kiến thức của chúng ta về não chim đã khẳng định "rõ ràng rằng chim có khả năng nhận thức tương đương với các loài thú có vú, thậm chí cả linh trưởng." Bà lập luận rằng chúng có trí nhớ phức tạp được "ghi chép theo một loại chuỗi thời gian trở thành một cuốn tự truyện độc nhất." Giống như cá, gà cũng có thể truyền kinh nghiệm qua các thế hệ. Chúng cũng lừa dối lẫn nhau và có thể trì hoãn sự thoả mãn nhất thời để đạt được phần thưởng lớn hơn.
Các loài chim thuộc họ Quạ được coi là vô cùng thông minh.
Những nghiên cứu như vậy đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về não của các loài chim đến mức, vào năm 2005, các chuyên gia khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã tụ họp để bắt đầu quá trình đặt tên lại các bộ phận của não chim. Họ cần thay thế các thuật ngữ cũ với ẩn ý về sự "nguyên thủy" bằng sự nhận thức mới rằng não của các loài chim xử lý thông tin theo một cách tương đương (nhưng khác biệt) so với vỏ đại não (3) người.
Hình ảnh về các nhà sinh lý học xúm lại quanh biểu đồ về não chim và tranh cãi về việc đặt tên lại có ý nghĩa lớn hơn thế. Nhớ đến điểm bắt đầu của câu chuyện loài người: Adam (chưa có Eva và không có sự hướng dẫn của Thượng đế) đã đặt tên cho các loài động vật (4). Tiếp tục công việc của Adam, chúng ta gọi những người ngu ngốc là óc chim, những người hèn nhát là gà, những kẻ ngu xuẩn là gà tây (5). Đây có phải là những cái tên phù hợp nhất mà chúng ta có thể đặt? Nếu chúng ta có thể sửa đổi khái niệm về việc phụ nữ đến từ một chiếc xương sườn, liệu chúng ta có thể sửa đổi cách ta nhận thức những con vật mà, sau khi được phủ nước sốt barbecue, trở thành xương sườn trên đĩa ăn tối của chúng ta - hoặc trong trường hợp này, là miếng gà rán trong tay của chúng ta không?
Comentarios